Thời gian gần đây, nhiều trường đại học đưa ra mức học phí mới cho năm học 2021-2022, có trường tăng học phí gấp đôi, thậm chí tăng gấp 3-4 lần so với mức cũ.
Học phí đại học tăng liệu có trở thành rào cản đối với các sinh viên?
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến áp dụng mức học phí mới năm học 2021-2022 theo hai mức: Nhóm ngành Y khoa, Dược học, Răng-hàm-mặt có mức học phí 32 triệu đồng/năm, các ngành còn lại là 28 triệu đồng. So với năm 2020, mức thu này tăng hơn gấp đôi.
Trường ĐH Y Dược TP.HCM hiện chưa công bố mức học phí mới nhưng từ năm 2020 đã chính thức áp dụng học phí mới theo cơ chế tự chủ với mức tăng gấp 3-4 lần so với những năm học trước, ngành cao nhất lên tới 70 triệu đồng/năm. Khoa Y – ĐH Quốc gia TP.HCM cũng có mức học phí hệ chất lượng cao “khủng” khi thu từ 55 triệu đến gần 90 triệu đồng/năm…
Nhiều trường khác cũng dự kiến tăng học phí như Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sẽ thu học phí hệ chính quy (đại trà) là 25 triệu đồng (gấp đôi hiện tại); ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra mức học phí năm 2021 dự kiến cho chương trình đào tạo chuẩn từ 22 – 28 triệu đồng/năm, các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến và chất lượng cao (ELiTECH) từ 40 – 45 triệu đồng/năm; Đại học Ngoại thương Hà Nội từ 18,5 triệu đồng/năm lên 20 triệu đồng/năm…
Trước vấn đề học phí đại học tăng gấp đôi, thậm chí 4 lần, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học.
Lãnh đạo vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết, các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Mức tăng học phí bình quân 10%/năm.